Một số cách chống dị ứng thời tiết bạn cần biết
Dị ứng thời tiết tạo ra cảm giác khó chịu như: hắt hơi, ngạt mũi, ngứa mắt, mẩn đỏ làm ảnh hưởng đến cuộc sống của bạn. Dị ứng không có thuốc chữa, nhưng chúng ta có thể áp dụng một số cách khác để phòng tránh “nỗi khổ” này.
Biểu hiện của hiện tượng di ứng thời tiết và cách phòng tránh hiện tượng này:
Hắt hơi, ngạt mũi, ngứa mắt, mẩn đỏ hoặc các triệu chứng khác của cơ thể phản ứng với thời tiết từng mùa. Theo Viện Dị ứng, Suyễn và Miễn dịch Hoa Kì, có khoảng 7,8% người lớn bị dị ứng thời tiết.
Ngoài điều trị lâm sàng có khi mất hàng năm thì không có cách gì thực sự chữa được dị ứng thời tiết, nhất là vào mùa xuân khi có nhiều cây ra hoa. Tuy vậy, các bác sĩ có một số lời khuyên cho bạn áp dụng ở nhà để tránh bị dị ứng.
- Hạn chế hoạt động ngoài trời vào những thời điểm có nhiều hoa nở:
Yếu tố chính khởi phát dị ứng là phấn hoa. Hệ miễn dịch của chúng ta nhầm lẫn phấn hoa là hiểm họa ngoại lai và sinh ra kháng thể chống lại các dị ứng nguyên, từ đó cơ thể giải phóng các histamine gây ra sổ mũi, ngứa mắt, ngứa họng và một số triệu chứng khác.
Và không phải cứ ở cách xa cây nở hoa thì sẽ không bị. Hạt phấn hoa có thể bay xa tới 80 km, vì vậy kể cả bạn có ở thành phố thì cũng không đảm bảo là bạn không gặp phải phấn hoa, nhất là số lượng hạt phấn hoa hiện nay đếm được là rất nhiều, cộng thêm những biến đổi cực đoan của thời tiết do hiện tượng ấm lên toàn cầu.
Ngoài nhận định đó, Tiến sĩ Tania Elliott, Nhà dị ứng học người Mĩ, cho biết số lượng hạt phấn hoa ngày càng tăng trong không khí không chỉ vào những ngày nắng ấm mà cả trong những ngày mưa. “Chính những cơn sấm chớp làm phát tán phấn hoa rất mạnh và xa, vì thế thật sai lầm nếu cho rằng chỉ những ngày mùa xuân đẹp trời mới dễ làm bạn bị dị ứng.”
Ngoài ra, dị ứng phấn hoa còn nghiêm trọng hơn nếu trong không khí có khí xả diesel (ví dụ như khói ô tô), vì theo Tiến sĩ Efren Rael – Chuyên gia dị ứng và miễn dịch thuộc Trung tâm y tế trẻ em Stanford – thì phấn hoa có thể kết hợp với khí xả và các chất ô nhiễm không khí khác, tạo ra một loại dị ứng nguyên vô cùng mạnh.
- Nên tắm sớm khi về đến nhà và giặt quần áo bằng nước nóng
Bạn đã bao giờ ra khỏi nhà và nhìn thấy xe của mình bị phấn hoa rụng vào chưa? Cơ thể chúng ta cũng vậy đấy, mặc dù ta không nhìn thấy. Vì thế lời khuyên của Tiến sĩ Elliott là bạn hãy tắm rửa càng sớm càng tốt khi về đến nhà, nên chùi giày dép vào thảm ở cửa ra vào để tránh mang theo phấn hoa vào nhà, đem giặt quần áo ngay và ở mức nước nóng nhất có thể.
- Vệ sinh giường đệm ít nhất mỗi tuần một lần
Chẳng có phòng nào trong nhà có thể tránh hoàn toàn các dị ứng nguyên, kể cả phòng ngủ và khi bạn chỉ sử dụng phòng ngủ cho mỗi việc là ngủ một giấc 6 – 8 giờ mỗi đêm. Vì thế bạn hãy vệ sinh chiếc giường của mình ít nhất mỗi tuần 1 lần bằng việc lau quét gầm giường, thay giặt vỏ chăn, gối, đệm, với nước nóng và sấy khô càng tốt.
- Thường xuyên hút bụi, và đừng quên vệ sinh cả những tấm thảm và gối trang trí
Thảm, ghế salon và gần như bất cứ thứ gì được bọc vải đều là nơi trú ngụ lí tưởng cho các dị ứng nguyên, cụ thể là những con mạt bụi nhà, chúng có thể là nguồn khởi phát dị ứng quanh năm. Bạn nên hút bụi thường xuyên để loại bỏ mạt, hãy nhớ rằng không phải chỉ cần quẳng những chiếc gối trang trí ra khỏi giường là xong, ngược lại, điều đó gần như không giúp ích gì cả. Nếu có thể bạn hãy hút bụi hàng ngày ở những chỗ đi lại nhiều hoặc nơi vật nuôi hay nằm.
- Đóng cửa sổ, bật điều hòa không khí
Phấn hoa phát tán trong không khí, vì thế bạn nên giữ cho không gian sống của mình tương đối kín. Nếu thấy nóng và bí, hãy bật điều hòa không khí, nhưng hãy làm sạch lưới lọc của điều hòa trước khi bật máy đầu mùa.
- Tắm cho vật nuôi hàng tuần
Hãy nhìn xem con mèo của bạn tha gì về nhà: đầy những dị ứng nguyên. Tiến sĩ Rael khuyên bạn nên tắm cho chó, mèo mỗi tuần 1 lần. Ông cũng nói thêm rằng “thực ra nói thì dễ chứ làm không dễ”, vì nhiều “người bạn lông xù” của chúng ta không thích nước và rất khó để cho chúng đi tắm.
- Thay máy tạo ẩm bằng máy hút ẩm:
Những người bị dị ứng thường nhầm lẫn rằng máy tạo ẩm/ máy phun sương sẽ giúp giảm triệu chứng dị ứng. Đúng là dùng máy tạo ẩm, bỏ vào đó một chút dầu khuynh diệp, bạn có thể thấy đỡ ngạt mũi suốt đêm. Tuy nhiên, máy tạo ẩm lại tạo ra môi trường lí tưởng cho mạt bụi sinh sôi và cuối cùng lại là làm hiện tượng dị ứng trầm trọng hơn.
Sử dụng máy hút ẩm giúp giảm cơn dị ứng
Hơi ẩm cũng tạo thuận lợi cho nấm mốc, một dị ứng nguyên tai hại khác, phát triển trong nhà. “Mạt bụi không biết uống nước, chúng hút hơi ẩm qua lớp ngoại cốt của cơ thể. Như một nghịch lí, sử dụng máy tạo ẩm giúp giảm cơn dị ứng, nhất là khi thời tiết lạnh khô, nhưng để hạn chế dị ứng nguyên, bạn hãy loại bỏ máy tạo ẩm.” – đó là lời khuyên của Tiến sĩ Rael cho bạn.
Thay vào đó, hãy đặt chiếc máy hút ẩm trong phòng ngủ. Nếu bạn thấy khô mũi họng, hãy nhỏ hoặc xịt nước muối sinh lí hoặc hít hơi nóng bốc lên từ một cốc nước. Bằng cách này bạn có thể “làm ẩm” cơ thể mình mà không làm ẩm cả căn nhà.
Tuy nhiên, nếu bạn sống ở vùng khí hậu khô thì không cần đến máy hút ẩm. Vậy hãy kiểm tra môi trường xung quanh bạn, độ ẩm lí tưởng trong nhà là từ 20 đến 40%.
Máy lọc không khí cũng có tác dụng loại bỏ một số dị ứng nguyên
Mặc dù với phấn hoa thì máy lọc không khí gần như không có tác dụng, nhưng với những hạt dạng “bông” thì lại rất hiệu quả.
Đừng bỏ qua những biện pháp đơn giản
Cho dù bạn có thể trang bị cho mình những sản phẩm giúp bạn tránh được phiền phức do dị ứng, cũng không nên bỏ qua những thứ có ích mà chẳng tốn kém bao nhiêu. “bỏ thêm xà phòng khi giặt quần áo, dùng thêm chút nước gội đầu cho sạch hẳn, mua một chiếc thảm chùi chân loại tốt là những thứ cơ bản tạo ra môi trường trong nhà không có dị ứng nguyên.
Trong khi có vô số các đơn thuốc chữa trị dị ứng được quảng cáo khắp nơi, tiến sĩ Elliott vẫn khuyên bạn nên cẩn trọng khi áp dụng các đơn thuốc này. Để tránh mất thời gian, tiền bạc và đôi khi còn làm trầm trọng hơn bệnh tình của mình nếu bạn dùng thuốc không phù hợp, hãy nhanh chóng đến gặp bác sĩ để được tư vấn chính xác, điều đó cũng giúp bạn sớm thoát khỏi tình trạng khó chịu do dị ứng gây ra.
Một điều nữa bạn nên ghi nhớ: “phòng bệnh chính là cách chữa bệnh đầu tiên”. Hãy để ý và sớm kiểm tra, đánh giá tình hình sức khỏe của bạn và môi trường sống, vì một khi các dị ứng nguyên đã phát triển thì rất khó kiểm soát và bạn rất dễ bị dị ứng.
Theo: Dân Trí